Sau thời gian dài 'biệt tăm', Chủ tịch CLB
Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ đã gửi bức tâm thư lên Liên đoàn bóng
đá TP HCM với mong muốn giao đội bóng về địa phương này.
Chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ quyết định bỏ bóng đá. Ảnh: An Nhơn |
Theo Chủ tịch LĐBĐ TP HCM Trần Anh Tú, trong thư gửi LĐBĐ TP HCM, ông
Thọ thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn khiến Navibank không thể tiếp
tục nuôi đội bóng. Mong mỏi lớn nhất của ngân hàng này là được chuyển
giao đội bóng cho TP HCM. Ông Thọ cũng yêu cầu, với tư cách là cơ quan
quản lý, LĐBĐ TP HCM sẽ có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển giao đội bóng.
Việc Navibank bỏ bóng đá đã xuất hiện từ cuối mùa giải năm nay. Thông
tin cho rằng, Navibank Sài Gòn sẽ chuyển giao đội bóng cho đội hạng Nhất
Bình Định. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lãnh đạo CLB
miền Trung không muốn suất V-League mà quyết tâm gây dựng đội bóng đi
lên từ hạng Nhất. Đối tác đầu tiên thương thảo không thành, lãnh đạo
Navibank đã liên hệ với Đồng Tháp khi CLB này xuống hạng Nhất. Tuy
nhiên, dù muốn đá ở V-League nhưng do không có số tiền lớn để mua đứt
đội bóng, phía Đồng Tháp chỉ muốn hai bên liên doanh 50-50. Bế tắc trong
việc tìm đối tác bán hẳn đội bóng, nên lãnh đạo Navibank quyết định
giao CLB về cho TP HCM.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 3/10, Chủ tịch LĐBĐ
TP HCM Trần Anh Tú cho rằng, việc Navibank Sài Gòn muốn trả đội bóng lại
cho địa phương là vấn đề lớn mà cơ quan này không thể giải quyết được.
"Hôm nay, chúng tôi sẽ làm văn bản báo cáo lên Sở Văn hóa -Thể thao và
Du lịch TP HCM để có hướng chỉ đạo xử lý", ông Tú nói.
Trong khi đó, sau khi nghe thông tin Chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn muốn
trả đội bóng lại cho TP, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
TP HCM cho rằng, Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ cần phải sớm làm việc với cơ
quan này để tìm hướng giải quyết. Và việc TP HCM có tiếp nhận CLB
Navibank Sài Gòn hay không còn tốn nhiều thời gian và do quyết định cuối
cùng thuộc về UBND TP HCM.
Đón nhận tin này, nhiều cầu thủ trong đội không còn bất ngờ, bởi với họ
như đã "lờn thuốc". Tất cả đều cho rằng khi hợp đồng vẫn còn thì họ vẫn
là người của Navibank Sài Gòn. Vì vậy, đội bóng có chuyển giao đi đâu,
hay đổi tên, sang nhượng thì đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm trả
lương cho họ. "Thông tin Navibank Sài Gòn bị chuyển giao đối với chúng
tôi giờ trở nên bình thường. Quan trọng với chúng tôi lúc này là tiền
lương, thưởng và ngày CLB tập trung trở lại. Nếu đội bóng có giải tán,
lãnh đạo phải sớm thông báo để chúng tôi tìm nơi khác", thủ quân Tài Em
chia sẻ.
Vừa ký hợp đồng với CLB Bình Dương, thủ môn Santos là cầu thủ đầu tiên 'trốn chạy' khỏi Navibank Sài Gòn. Ảnh: An Nhơn |
Navibank Sài Gòn tiền thân là CLB Quân khu 4. Năm 2009, khi CLB áo
lính giành quyền thăng hạng đã bán lại suất chơi V-League cho Ngân hàng
thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank Sài Gòn) thi đấu tại V-League
2010, với bản doanh đóng tại TP HCM.
Trong mùa giải đầu tiên, Navibank Sài Gòn chỉ trụ hạng sau khi giành
chiến thắng trong trận play-off với đội đứng nhì giải hạng Nhất là Quảng
Ninh. Đến mùa giải thứ hai, lãnh đạo CLB đầu tư mạnh mẽ hơn khi mua
nhiều ngôi sao trong nước như Tài Em, Quang Hải, Thế Anh, Santos…
Navibank Sài Gòn xếp hạng 8 V-League 2011 và đoạt Cup quốc gia khi thắng
SLNA để lần đầu dự AFC Cup. Mùa giải 2012, Navibank Sài Gòn đã kết thúc
với vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng, còn ở đấu trường AFC Cup, họ đã bị
loại tại vòng bảng.
Không có nhận xét nào: