Đi dép lê vào nhà hát, mặc nội y đi xem phim

Chuyện tưởng như bịa này là thực tế có thật và xảy ra rất thường xuyên ở VN, mà rất tiếc đi đầu lại rơi vào nhóm những người được cho là "nổi tiếng".
Chuyện cô người mẫu mới lớn Hồng Quế gây sốc trên thảm đỏ lễ khai mạc LHP quốc tế Hà Nội hồi cuối tháng 11 vừa rồi với bộ đồ phản cảm, kém thẩm mỹ và thiếu văn hóa chỉ là một trong vô số trường hợp ăn mặc lố lăng, lệch hoàn cảnh của những người được cho là nổi tiếng ở Việt Nam.

BTC LHP có thể đã sơ suất không in trên giấy mời yêu cầu về chuyện trang phục khi tới dự sự kiện (mà đa phần các sự kiện văn hóa - giải trí ở VN là vậy), hoặc có thể BTC cho rằng việc ăn mặc lịch sự đến thảm đỏ là đương nhiên, không cần phải nhắc.
Bộ trang phục thể hiện văn hóa của người mặc
Bộ trang phục thể hiện văn hóa của người mặc
Với những trường hợp khách không mời cố tình lợi dụng sự kiện để lăng xê bản thân như cô người mẫu thiếu tự trọng trên thì có yêu cầu ăn mặc chi tiết về chuyện trang phục chắc cũng vô nghĩa.

Đến một sự kiện điện ảnh quốc tế ở VN, đặc biệt là HN, chắc chắn điều các vị khách nước ngoài mong muốn là họ được nhìn thấy những gì là truyền thống nhất, là bản sắc nhất trong văn hóa VN, mà điều phản chiếu đầu tiên chính là trang phục trên thảm đỏ. Áo dài, bộ lễ phục tuyệt đẹp, kín đáo mà vẫn quyến rũ rất tiếc được quá ít nghệ sĩ lựa chọn.

Ngoài NSND Như Quỳnh luôn trung thành với những bộ áo dài truyền thống kiểu cổ, số nghệ sĩ mặc áo dài chỉ đếm trên đầu ngón tay (NSND Lan Hương, đạo diễn trẻ Hoàng Điệp, diễn viên Kim Hiền...).
Kim Hiền, diễn viên của
Kim Hiền, diễn viên của "Thiên mệnh anh hùng" ghi điểm với bộ áo dài truyền thống
Trong khi nhiều nữ nghệ sĩ Việt chọn những bộ váy lòe loẹt, hở hang, rườm rà và thiếu tinh tế cốt chỉ để lọt ống kính của phóng viên và gây chú ý thì sự xuất hiện của nữ diễn viên Iran xinh đẹp Taraneh Alidoosti, thành viên BGK Phim truyện lại gây chú ý theo một cách khác.

Luôn trùm khăn và chọn những trang phục kín đáo, tuyệt nhiên không cần dùng chiêu trò gì để gây chú ý hay "nghiến răng" chịu lạnh để mặc những chiếc đầm hở hang trên thảm đỏ như nhiều diễn viên nước chủ nhà nhưng Taraneh Alidoosti vẫn gợi cảm và chinh phục mọi ánh nhìn chính bởi vẻ đẹp bên trong toát ra từ dáng đi đến cử chỉ, phong cách.

Nhìn sang điện ảnh Hoa ngữ, nữ diễn viên Phạm Băng Băng luôn gây ấn tượng tại các sự kiện điện ảnh quốc tế, đặc biệt là LHP Cannes với những bộ trang phục mang đậm tính dân tộc và rất châu Á.
Phạm Băng Băng luôn chọn những bộ trang phục mang nét truyền thống tại các sự kiện điện ảnh  quốc tế
Phạm Băng Băng luôn chọn những bộ trang phục mang nét truyền thống tại các sự kiện điện ảnh quốc tế
Còn nhớ tại LHP Cannes vừa rồi, cô đã chọn một chiếc đầm dài với họa tiết hoa văn thường thấy trong các đồ gốm sứ thời Minh-Thanh để mặc trên thảm đỏ. Trang sức và cách vấn tóc cũng rất truyền thống mà chỉ nhìn qua ai cũng biết cô đến từ nền văn hóa nào.

Dĩ nhiên đứng sau Phạm Băng Băng luôn có đội ngũ stylish và nhà thiết kế nổi tiếng tư vấn về chuyện trang phục khi đến những sự kiện lớn nhưng bản thân cô mới là người quyết định mình sẽ mặc gì và muốn thể hiện mình là người thế nào.

Quay lại sự kiện vẫn còn nóng là LHP quốc tế Hà Nội, cứ nghĩ các nghệ sĩ nam chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài bộ vest tuxedo khi đến sự các sự kiện lớn nhưng không phải.

Tại lễ bế mạc LHP quốc tế HN, nhiều người lắc đầu ngao ngán khi thấy diễn viên Võ Hoài Nam nổi tiếng một thời xuất hiện trong một bộ đồ bụi bặm, thiếu trang trọng, chưa kể chiếc mũ lưỡi trai đội đầu và điếu thuốc cắm trên tay khi xuất hiện trên thảm đỏ.
Taraneh Alidoosi vẫn vô cùng gợi cảm trong trang phục truyền thống
Taraneh Alidoosi vẫn vô cùng gợi cảm trong trang phục truyền thống
Đáng tiếc, những kiểu ăn mặc thế này không phải là hiếm. Xem ra việc ăn mặc cho hợp với tính chất sự kiện, đúng hoàn cảnh là việc làm quá khó với ngay cả những người được cho là nổi tiếng.

Không phải sự kiện lớn như LHP nhưng tại các buổi ra mắt phim lớn, nhiều người cũng không khỏi ngao ngán bởi cách chọn trang phục của các vị khách nổi tiếng. Mặc gì rõ ràng là quyền của mỗi người nhưng một khi đã đến với những sự kiện thuộc về số đông thì việc ăn mặc không còn là của riêng họ nữa, nhất là khi nó tác động trực tiếp tới mắt nhìn và cũng như cảm xúc của những người có mặt.

2 tháng trước, nhiều vị khách mời tới tham dự lễ ra mắt bộ phim hoạt hình Mỹ "Chó ma Frankenweenie" (trong đó có rất nhiều trẻ em) tại Hà Nội không khỏi choáng váng khi một MC khá nổi tiếng trên truyền hình xuất hiện trong một bộ trang phục "không thể hiểu nổi" cùng một chú chó.
Thể hiện cá tính trong phong cách ăn mặc là điều cần thiết nhưng mặc gì cho phù hợp với sự kiện và thể hiện sự tôn trọng người khác quan trọng hơn nhiều
Thể hiện cá tính trong phong cách ăn mặc là điều cần thiết nhưng mặc gì cho phù hợp với sự kiện và thể hiện sự tôn trọng người khác quan trọng hơn nhiều
Cô bé học sinh tiểu học đứng cạnh hỏi mẹ: "Cô ấy mặc kiểu gì thế mẹ?", các vị khách cả nam lẫn nữ đứng gần đó cũng lắc đầu ngao ngán vì bộ trang phục phá cách quá đà mà cô MC này đang mặc trông không khác gì đồ ngủ.

Tại các sự kiện âm nhạc, người ta cũng gặp nhan nhản những trường hợp ăn mặc phản cảm. Không kể các buổi biểu diễn Pop, Rock hay Jazz có thể cho phép người tham dự ăn mặc thoải mái và tự do, những buổi hòa nhạc cổ điển vốn ngầm định những quy định khắt khe về mặt trang phục của những người đến nghe cũng thường xuyên phải đón nhiều vị khách ăn mặc phản sự kiện.

Chuyện đi dép lê, mặc quần short, áo pull vào nhà hát xem trình diễn nhạc cổ điển đã chẳng còn là cảnh tượng hiếm gặp bên cạnh tiếng điện thoại di động xuất hiện như cơm bữa xen vào phần diễn tấu của dàn nhạc, phá tan không gian yên lặng dưới khán phòng.

Tất cả những điều này không còn nằm ở khái niệm thẩm mỹ kém nữa mà chỉ có thể quy vào "văn hóa thấp" mà thôi.

Không có nhận xét nào:

>> <<

Copyright © 2013 News