Bộ GD-ĐT cần thay đổi quy định cho hợp lý

Phụ huynh tại TP.HCM tham gia khảo sát về dạy thêm, học thêm của Báo Thanh Niên
 Từ kết quả cuộc khảo sát của Báo Thanh Niên, Bộ GD-ĐT cần có những thay đổi, điều chỉnh hợp lý về quy định dạy thêm, học thêm, thay vì chỉ quy định cấm đoán theo cách hành chính hóa với các biện pháp ngăn chặn, bắt bớ nhưng vẫn không làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm ngày một tràn lan.
Thay đổi cách đánh giá, thi cử
Cách thi như thế nào sẽ tác động trở lại đến việc dạy và học. Nếu vẫn ra đề đánh đố, nặng về kiến thức, ghi nhớ máy móc thì cấm cỡ nào, học sinh vẫn phải cần học thêm. Thay đổi về cách thi sẽ góp phần đổi mới chương trình cũng như việc dạy và học ở trường phổ thông. Lúc bấy giờ quan niệm học cốt yếu để thi sẽ không còn nữa; khi học gì thi nấy, đúng với nội dung chương trình và cách thầy cô đã dạy thì tự thân nhu cầu học thêm sẽ không còn nữa.
Có lẽ nhận thấy điều này nên thời gian gần đây Bộ có những điều chỉnh về cách tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập. Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua đã giảm phần nào lý thuyết suông, không chú trọng quá nhiều vào kiến thức hàn lâm. Việc xét tốt nghiệp cũng như tuyển vào ĐH không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi mà tính cả quá trình học phổ thông. Ở bậc tiểu học, năm học này lần đầu tiên các giáo viên áp dụng cách đánh giá mới đối với học sinh - không bằng điểm số mà bằng nhận xét của thầy cô, bạn bè.

Giảm áp lực thi cử sẽ giảm dạy thêm học thêm
Cuối năm 2013, trả lời cử tri về một trong những giải pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc.
Trong một lần trả lời về giải pháp khắc phục dạy thêm, học thêm tràn lan, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện nay tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan có nguyên nhân thuộc về quản lý, chương trình; học sinh hiện nay đang phải học quá nhiều. Ông Hiển khẳng định: “Chương trình mới sẽ đảm bảo không có việc cào bằng, sẽ có những phần kiến thức để cho học sinh tự chọn. Áp lực thi cử, học hành giảm thì sẽ giảm được việc dạy thêm học thêm”. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết trong khi chờ những việc đòi hỏi phải có thời gian lâu dài hơn như đổi mới đào tạo và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, đổi mới chương trình - sách giáo khoa... thì trước mắt Bộ GD-ĐT coi đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh là khâu đột phá trong đổi mới chất lượng giáo dục. Với những thay đổi này, ông Hiển hy vọng: “Dạy thêm học thêm chắc sẽ vẫn còn nhưng sẽ không có dạy thêm học thêm tiêu cực, mà phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh và đáp ứng được quyền lợi của các em”.

Tuệ Nguyễn

Tuy nhiên, những thay đổi này do mới diễn ra lại còn có vẻ dè dặt, chưa toàn diện nên chưa thật sự ngấm vào việc dạy và học bình thường ở các trường phổ thông. Trên thực tế, việc đánh giá, kiểm tra học sinh từ hằng ngày đến học kỳ vẫn chưa thật sự đổi mới.
Ngoài ra, một khi hệ thống trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS vẫn tồn tại mặc dù luật Giáo dục không cho phép thì rất khó lòng cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Vì nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý muốn con được vào học những trường/lớp chọn này. Muốn thế, buộc phải học thêm.
Nhìn nhận lại thu nhập của giáo viên
Thực tế hầu hết giáo viên hiện nay không ai có thể sống được bằng lương và các khoản thu nhập theo quy định. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu và tư vấn Đông Dương (IRC) phối hợp Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Cơ quan phát triển Bỉ (AF), khoảng 1/3 giáo viên cho rằng lương là khoản thu nhập đáng kể. Nhiều giáo viên, thu nhập từ dạy thêm gấp nhiều lần so với mức lương và các khoản chính thức khác.
Năm 2012, Viện Khoa học giáo dục VN công bố có gần 50% giáo viên cho biết nếu được chọn lại sẽ không chọn nghề giáo. Một trong những nguyên nhân chính là lương giáo viên hiện quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Một sinh viên sư phạm mới ra trường lương gần 2 triệu đồng/tháng. Thâm niên khoảng 30 năm cũng chưa đến 10 triệu đồng. Một khi thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống, giáo viên buộc phải làm thêm. Tùy hoàn cảnh, mỗi người sẽ tìm những việc làm thêm phù hợp, nhưng phần đông sẽ dạy kèm, dạy thêm vì đúng với sở trường, công việc được đào tạo…
Để không còn tình cảnh giáo viên bằng cách này hay cách khác, động viên hay khuyến khích, ép buộc hay nói xa gần để học sinh phải đi học thêm thì cần để giáo viên sống được bằng chính thu nhập của nhà giáo.
Lương thấp còn kéo theo những hệ lụy khác là giáo viên không toàn tâm toàn ý trong dạy dỗ học sinh, giảm sút chất lượng. Mà trong giáo dục, chất lượng người thầy vô cùng quan trọng. Xa hơn, điều này cũng khiến nhiều học sinh giỏi e ngại vào sư phạm. Thiếu thầy giỏi thì khó hy vọng có được nhiều học trò giỏi. 
Vấn đề lương cho giáo viên đã đặt ra bao nhiêu năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Dạy thêm theo kiểu “không tiêu cực”
Một trong những lý do nhiều phụ huynh có con bậc tiểu học cho con đi học thêm, theo khảo sát của Báo Thanh Niên là không có thời gian coi sóc con (có đến 21,7% - đứng thứ hai trong số 7 lý do để con học thêm). Điều này càng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên từ phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý giáo dục thì đây là nhu cầu có thật. Khi phụ huynh vẫn còn làm việc mà học sinh đã đến giờ tan học, nếu không có người đưa đón, chăm sóc thì họ buộc phải tìm cách gửi con. Nếu trường không tổ chức thì phụ huynh vẫn phải tìm giáo viên để gửi. Khi cung và cầu gặp nhau thì có cấm cũng không được. Chi bằng cho phép các trường tiểu học được tổ chức giữ trẻ sau giờ học nhưng sinh hoạt trong các câu lạc bộ, đội nhóm học các kỹ năng chứ không học văn hóa. Điều này đã có quy định nhưng khó thực hiện trong thực tế vì do yêu cầu của phụ huynh, các trường vẫn cố tình dạy văn hóa.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi không còn đánh giá bằng điểm số ở bậc tiểu học, phụ huynh và giáo viên sẽ yên tâm hơn để trẻ học kỹ năng sau giờ học. Đây là nhu cầu có thật vì theo khảo sát nhanh của Báo Thanh Niên,  9/11 phụ huynh tiểu học tại TP.HCM cho biết dù thay đổi cách đánh giá họ vẫn gửi con học thêm, trong đó lý do quan trọng là để yên tâm làm việc vì không có người trông coi con.
Nếu giải quyết được những nguyên nhân cốt lõi này, chắc chắn dạy thêm, học thêm tràn lan, biến tướng như hiện nay sẽ không còn là vấn đề nữa.

Vẫn cho con học thêm
PV Thanh Niên đã thực hiện khảo sát nhỏ trên 11 phụ huynh học sinh tiểu học tại TP.HCM của các trường  Phan Văn Trị (Q.1), Lương Định Của (Q.3), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), Trần Bình Trọng (Q.5), Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận)... với câu hỏi cho con đi học thêm nữa hay không khi Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ điểm số sang hình thức nhận xét. Kết quả: 9 phụ huynh khẳng định vẫn tiếp tục cho con đi học thêm vì để có người trông coi con; yên tâm hơn vì giáo viên sẽ quan tâm đến con hơn; củng cố, nắm vững kiến thức; để chuẩn bị cho việc xét tuyển vào lớp 6... Sau đây là một số ý kiến của phụ huynh và giáo viên:
An tâm hơn
Dù bỏ đánh giá cho điểm ở học sinh tiểu học, tôi vẫn phải cho con học thêm vì vợ chồng tôi kinh doanh nhỏ, quần quật từ sáng đến tối thì lấy đâu thời gian chăm con, dạy con học. Đưa cháu đến nhà giáo viên học sẽ an tâm hơn.

 Nguyễn Tấn Phú


(phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, Q.5)
Sẽ giảm nhiều
Nếu thay đổi cách đánh giá tiểu học, việc học thêm sẽ giảm đáng kể. Trước đây, sợ điểm số con thấp nên mới cho học thêm. Nếu bây giờ trường không chấm điểm, thì tôi không còn phải lo nữa. Miễn sao cháu lên lớp là được. Đến khi nào con tôi lên lớp 5 mới cho học thêm lại, vì năm cuối cấp nghe nói kiến thức nặng.

Trần Thị Thu Lan


(phụ huynh học sinh Trường  tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10)
Sẽ giảm nhưng không nhiều
Việc không đánh giá bằng điểm số sẽ giảm rất nhiều áp lực thành tích cho cả học sinh và phụ huynh. Nhờ đó, phụ huynh sẽ an tâm hơn và không cho con đi học thêm nữa. Nhưng theo tôi, số lượng này không  nhiều.
Bùi Thị Ngọc Linh


(giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3)

Không có nhận xét nào:

>> <<

Copyright © 2013 News