Sẽ không phạt người mượn xe của người thân hay đi thuê

Trước thông tin người dân lo lắng về việc sẽ bị xử phạt nặng nếu đi xe không chính chủ, đại diện Bộ Công an đã giải thích rằng nếu chứng minh được phương tiện là mượn người thân, đi thuê... thì họ sẽ không bị phạt.
Chiều 12.11, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã có buổi gặp mặt báo chí để giải thích rõ hơn về Nghị định 71.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Đỗ Đình Nghị, Nghị định 71 quy định trong 30 ngày người mua hay bán xe phải đến cơ quan công an thực hiện việc chuyển đổi đăng ký, nếu để quá thời hạn này, họ sẽ bị xử phạt.

Ngoài ra, trong trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu. Theo ước tính của Bộ Công an, hiện có khoảng 30 - 40% số xe đang sử dụng là mua bán lòng vòng qua nhiều chủ.

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, cơ quan CA hiện đang khó khăn khi xác định các phương tiện đó đã sang tên đổi chủ hay chưa. Trước mắt với những xe chưa sang tên đổi chủ, CA chưa tiến hành xử phạt và hiện còn chờ quy định của Bộ Công an.

Trước ý kiến cho rằng thời gian qua người dân còn thờ ơ với việc sang tên đổi chủ, Thiếu tướng Nghị cho rằng do phí trước bạ còn quá cao. Chính vì vậy, Bộ Công an đã kiến nghị giảm phí trước bạ để người dân thấy phù hợp để từ đó tiến hành các thủ tục sang tên đổi chủ.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người băn khoăn nhất là nếu mượn xe của bố mẹ, bạn bè hay người thân... liệu có bị xử phạt hay không? Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị khẳng định nếu người điều khiển chứng minh được xe đó có nguồn gốc xuất xứ sẽ không bị phạt.

Bộ Công an đã có hướng dẫn CA các tỉnh, thành là khi tuần tra kiểm soát phát hiện trường hợp có giấy đăng ký xe nhưng tên của chủ xe không trùng với tên người lái, và người lái trình bày đi mượn, đi thuê hay xe gia đình thì không bị xử phạt về hành vi mua bán, không sang tên.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Cty luật TNHH YouMe nhận xét: "Theo tôi, với nguyên do chính là mức phí chuyển quyền sở hữu quá cao khiến cho người dân không làm thủ tục này thì cần phải có biện pháp giảm mức phí này xuống đúng với giá trị thực của thủ tục. Mức phí chuyển quyền sở hữu phương tiện chỉ nên được coi là mức phí hành chính (xe đắt tiền hay xe ít tiền thì đều thực hiện một thủ tục như nhau) và nên được cân nhắc ở một mức phù hợp với khả năng tài chính của nhân dân.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, có một số lượng phương tiện không nhỏ đã được mua bán trao tay qua nhiều chủ, rất khó có thể thực hiện đúng thủ tục theo quy định hiện tại. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế hợp lý để giải quyết đối với những trường hợp này".

Không có nhận xét nào:

>> <<

Copyright © 2013 News